Công nghệ ngành càng phát triển, các thiết bị điện lạnh cũng được nâng cấp mỗi ngày mà đặc biệt là máy giặt, thêm nhiều tính năng tăng tiện ích cho người dùng. Giờ đây sử dụng máy giặt không chỉ là bỏ quần áo, bỏ bột giặt và chờ máy giặt xong nữa mà máy sẽ hỗ trợ bạn nhiều tùy chọn giặt đồ theo loại vải, theo mức độ dơ của quần áo,… Trong bài viết này, 1Fix sẽ nói chi tiết về cách sử dụng máy giặt đơn giản mà vẫn đảm bảo tận dụng được hết các tính năng của máy, giúp máy vận hành tốt và lâu bền.
Bước 1: Phân loại quần áo
Một việc quan trọng mà bạn cần nhớ để làm trước khi khởi động máy giặt là phân loại quần áo theo chất liệu vải và màu sắc:
- Phân loại quần áo theo loại vải sẽ giúp bạn dễ dàng chọn lựa chế độ giặt phù hợp vì sẽ có một số loại vải có thể bị co lại nếu được giặt bằng nước ấm hoặc nóng, một số loại vải không giặt được bằng máy giặt, chẳng hạn như một số loại lụa hoặc các chất liệu mỏng nhẹ khác. Ngoài ra, bạn còn nên phân theo độ dày của vải để chọn chế độ giặt nhẹ hay giặt mạnh, vắt kỹ,… những loại quần áo quá mỏng bạn nên giặt trong túi lưới để đảm bảo độ bền.
- Tách riêng quần áo theo màu sẽ giúp bạn tránh được tình trạng phẩm màu trên quần áo, đặc biệt là quần áo mới, có thể sẽ phai màu trong quá trình giặt và lem sang các quần áo khác, hỏng cả mẻ giặt. Cách cơ bản nhất để phân loại quần áo là tách riêng theo sắc độ tối và sáng để giặt riêng. Màu tối bao gồm các màu như đen, xanh đen, đỏ đậm và tím đậm,.. Màu sáng bao gồm các màu phấn nhạt như trắng, hồng, vàng, xanh nhạt,…
Một lưu ý cuối cùng là bạn nên kiểm tra quần áo trước khi giặt, đối với những món đồ bị ố bẩn, bùn đất, dầu mỡ, bạn nên ngâm và sạch trước để loại trừ những vết dơ đó rồi hãy bỏ chung vào giặt với những quần áo khác.
Bước 2: Bỏ quần áo vào máy giặt
Sau khi hoàn thành bước 1 thì bây giờ bạn chỉ cần bỏ quần áo đã phân loại vào lồng giặt, nhưng hãy nhớ là đừng bỏ quá nhiều quần áo. Bạn cần chừa không gian cho quần áo chuyển động và tự làm sạch. Hiện nay có một số loại máy giặt còn cho phép tùy chọn khối lượng giặt ít, trung bình hoặc nhiều và có thể điều chỉnh mực nước tùy vào chế độ giặt theo khối lượng quần áo.
- Khối lượng giặt ít chứa đầy khoảng 1/3 lồng giặt.
- Khối lượng giặt trung bình chứa đầy khoảng 1/2 lồng giặt.
- Khối lượng giặt nhiều chứa đầy khoảng 3/4 lồng giặt.
Bạn nên bỏ từng bộ đồ món đồ vào trong máy giặt vì nếu quần áo rối vào nhau sẽ khó giặt sạch đều, về lâu dài có thể gây lệch lồng giặt.
Bước 3: Rót xà phòng, nước xả vào các ngăn chứa
Bạn nên đọc sách hướng dẫn của máy giặt để biết loại xà phòng nào thích hợp với máy giặt và ngăn phân phối xà phòng trong máy vì mỗi máy sẽ có một cách bố trí ngăn giặt xả khác nhau theo từng chức năng riêng biệt. Hầu hết các loại máy giặt hiện nay có thể dùng xà phòng bột cũng như xà phòng nước và các chất làm sạch khác như thuốc tẩy.
Các kiểu máy giặt cửa trước thường có ngăn kéo để phân phối xà phòng và các ngăn khác chứa nước xả vải và hoặc thuốc tẩy. Máy giặt sẽ tự động phân phối xà phòng và nước xả vải vào đúng thời điểm.
Các kiểu máy giặt cửa trên cần phải đổ xà phòng trực tiếp vào lồng giặt trước khi bắt đầu chu trình giặt. Tốt nhất là bạn nên cho xà phòng vào trước khi bỏ quần áo vào lồng giặt để xà phòng đậm đặc không làm ố hoặc làm hỏng quần áo. Trong một vài trường hợp, bạn có thể cho nước vào máy giặt để xà phòng được hòa tan trước khi cho quần áo vào.
Bước 4: Chọn chế độ giặt thích hợp
Chu trình giặt bao gồm hai tốc độ chủ yếu: một là để nhào trộn hoặc đảo quần áo với nước, và một là để vắt nước khỏi quần áo.Tùy thuộc vào quần áo cần giặt, bạn cần chọn chế độ giặt phù hợp với loại vải để có thể giặt sạch tối đa mà vẫn bảo vệ được quần áo.
- Giặt thông thường (Normal Cycle): Đây là chu trình vận hành nhanh/ nhanh – nhào trộn quần áo và vắt với tốc độ nhanh. Chế độ này có tác dụng làm sạch quần áo rất bẩn hoặc ngấm nhiều mồ hôi và cũng thường được sử dụng nhất. Các loại vải bền chắc như cotton, linen, denim, khăn tắm và vải trải giường thường là thích hợp với chế độ giặt thông thường.
- Giặt chống nhăn (Permanent or Perm Press): Đây là chu trình vận hành nhanh/chậm. Quần áo cần được nhào trộn nhanh cho sạch nhưng quay (vắt) chậm để chống nhăn. Bạn nên dùng chế độ này cho các loại vải tổng hợp như rayons, vải dệt kim, polyesters, và acetates (lụa nhân tạo). Các loại sợi tổng hợp thường bị xù bông trên mặt vải, và chu trình vắt chậm sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này.
- Giặt nhẹ (Delicate Cycle): Đây là chu trình vận hành chậm/chậm, giảm tốc độ nhào trộn và ngăn ngừa mòn rách. Tuy nhiên, mức độ giặt sạch sẽ giảm do tốc độ đảo quần áo chậm. Chế độ này thích hợp nhất để giặt các chất liệu vải đặc trưng hoặc đặc biệt như đồ lót, quần áo đính phụ kiện lấp lánh, kết ren, các loại vải thưa hoặc các món đồ mỏng như tất da.
- Giặt mạnh: Bạn nên sử dụng khi đồ bị bẩn nhiều, vải dày. Thời gian giặt sẽ tăng lên tùy theo bạn chọn số lần giặt, giúp đánh bay vết bẩn nhanh chóng và dễ dàng hơn.
- Giặt đặc biệt (Special cycles): Các kiểu máy giặt hiện đại hơn có các chu trình giặt đặc biệt với chức năng làm vệ sinh, giặt hơi nước, hoặc được cho là có thể bảo vệ quần áo trắng và tẩy các vết ố. Bạn nên đọc sách hướng dẫn của máy giặt để được giải thích rõ hơn về chức năng của chế độ giặt đặc biệt.
Bước 5: Hẹn giờ giặt (Nếu cần)
Đối với các máy giặt hiện đại ngày nay đều được trang bị thêm chế độ hẹn giờ giặt. Bạn sẽ có 3 mức hẹn giờ là 3h, 6h, 9h. Việc của bạn là bỏ quần áo sẵn vào trong lồng giặt rồi chọn thời gian sau mấy giờ máy sẽ bắt đầu hoạt động. Chế độ này giúp hạn chế tiếng ồn hoặc hẹn giờ bắt đầu để khi đi làm về, bạn chỉ cần lấy quần áo ra phơi rất tiện lợi.
Bước 6: Cài đặt nhiệt độ
Về lý thuyết, nước càng nóng thì quần áo càng sạch. Nước nóng có tác dụng làm sạch và diệt vi khuẩn tốt hơn, hòa tan bột giặt đều hơn và tẩy sạch những vết cáu bẩn tích tụ trên quần áo, nhờ đó quần áo sẽ trắng sáng và sạch hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nước nóng có thể khiến vải bị co rút, bạc màu và các vết bẩn bám chặt lại, đồng thời có thể gây tốn kém do lượng điện tiêu thụ nhiều hơn. Vì vậy, bạn hãy chọn nhiệt độ nước sao cho phù hợp với chất liệu vải, nhưng cũng phù hợp với điều kiện của bạn để có kết quả tốt nhất.
- Sử dụng nước lạnh trong chế độ giặt nhẹ để giặt các chất liệu mỏng manh, các món đồ có màu dễ phai hoặc quần áo không quá bẩn.
- Sử dụng nước ấm trong chế độ giặt chống nhăn, quần áo màu đậm và những mẻ quần áo bẩn vừa.
- Sử dụng nước nóng để giặt khăn tắm và khăn lau trong bếp, vải trải giường, các loại vải có chất liệu bền chắc hoặc quần áo cực kỳ bẩn.
Dùng nước lạnh là cách sử dụng năng lượng hiệu quả nhất khi giặt quần áo. Gần 90% năng lượng được dùng vào chế độ giặt nước nóng để đun nóng nước.
Trong một số kiểu máy giặt, nhiệt độ nước được cài đặt sẵn tùy theo chế độ giặt được chọn. Ví dụ, chế độ giặt thông thường hầu như sử dụng nước có nhiệt độ khoảng 30 °C hoặc 40 °C.
Bước 7: Bấm nút giặt
Sau khi đã hoàn tất công đoạn chuẩn bị chu trình của máy giặt, bạn đã có thể bấm nút Start để máy bắt đầu giặt.
Bây giờ mọi việc bạn cần làm là nghỉ ngơi thu giãn hoặc xử lý một số công việc nhà khác trong thời gian chờ quần áo giặt xong!
Bước 8: Lấy quần áo ra và vệ sinh máy giặt
Sau khi không sử dụng nữa bạn phải rút điện máy giặt và dùng khăn bông mềm chùi qua ngăn chứa xà bông, nước xả. Việc làm này sẽ giúp các ngăn tránh tình trạng bị đóng khô cứng lại và bộ phận kim loại cũng không bị rỉ sét.
Việc bạn vệ sinh sau mỗi lần giặt chỉ có thể làm sạch những nơi mắt thường có thể nhìn thấy mà không thể làm sạch những lớp mảng bám ở thành lồng giặt, những ngóc ngách trong thân máy. Bụi vải, vết bẩn sau mỗi lần giặt tích tụ lâu ngày với hơi nước sẽ tạo ra ẩm mốc, bạn nên liên hệ các dịch vụ vệ sinh máy giặt bên ngoài để họ định kỳ đến kiểm tra, với chuyên môn cua mình họ sẽ biết cách tháo từng phần của máy giặt ra vệ sinh và lắp lại cẩn thân cho chúng ta.